Hóa điên, xì hơi, bắt chước tiếng kêu... là những "chiêu trò" mà các loài động vật này sử dụng để bắt mồi và chạy trốn kẻ thù.
Trong giới tự nhiên, mọi loài sinh vật
đều phải đối mặt với cuộc chiến sinh tồn trong từng giờ phút. Để sống
sót, phát triển và duy trì nòi giống, mỗi loài động vật đều có những vũ
khí riêng - loài có sức mạnh, loài có tốc độ, nọc độc… Bên cạnh đó tồn
tại những loài động vật chạy không quá nhanh song sở hữu nhiều mưu kế và
sáng tạo ra chiếc bẫy tinh vi không kém gì Gia Cát Lượng…
1. Hóa điên
Trong giới sinh vật, thỏ là một trong
những loài chạy nhanh nhất. Thế nhưng, chúng lại là nạn nhân ngây thơ
của một "cao thủ" đặt bẫy: chuột hương.
Chuột hương là một loài ăn thịt kích
thước vừa phải. Xét về mặt khoa học, chúng chậm hơn và nếu săn đuổi thỏ
một cách công bằng, không bao giờ loài này thành công. Song mọi chuyện
đều có thể xảy ra với chiếc bẫy cực kỳ tinh vi của chúng.
Chân dung kẻ săn mồi xảo quyệt...
Để bắt được con mồi, chuột hương đã tìm
cách “hóa điên”. Khi phát hiện con thỏ từ xa, chuột hương lăn lộn, co
giật, nhảy múa liên tục giống như một con vật bị đốt, hay một con thú
hóa điên. Hành động kỳ lạ của chuột hương thu hút sự chú ý của thỏ,
khiến chúng nhầm tưởng và mất cảnh giác với con vật tội nghiệp trước
mặt.
...và nạn nhân xấu số.
Con thỏ không ngờ chính trong khi giả
điên, con chuột đã tới gần nó lúc nào không hay. Kết quả là chỉ tích
tắc, chuột hương nhảy chồm lên và giáng một đòn chí mạng vào con mồi tội
nghiệp.
2. Xì hơi
Với con người, xì hơi là một phản ứng tự
nhiên của cơ thể và có phần… bất lịch sự. Nhưng với loài cá trích, ít
ai biết rằng, đây là một vũ khí sinh tồn vô cùng hữu hiệu dưới đáy đại
dương.
Những đàn cá trích hàng ngàn con giao tiếp bằng cách... xì hơi.
Giống như nhiều loài cá nhỏ khác, để
tránh trở thành miếng mồi ngon của kẻ khác, cá trích thường bơi thành
từng đàn lớn. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là làm thế nào mà những
chú cá đó phối hợp được ăn ý mà không bơi hỗn loạn, đâm vào lẫn nhau.
Câu trả lời chính là ở khả năng xì hơi của cá trích.
Bong bóng nước mà đàn cá trích để lại sau khi di chuyển.
Xì hơi chính là cách mà cá trích giao
tiếp và phối hợp với đồng loại. Nhưng chúng chỉ sử dụng âm thanh mà
tiếng xì hơi phát ra chứ không vận dụng mùi… khó chịu phát ra từ hậu
môn.
Để xì hơi, cá trích sẽ nuốt không khí ở
xung quanh và lưu trữ tại bong bóng của mình. Khi trời tối, chúng xì hơi
qua hậu môn giúp đồng loại nhận diện vị trí của mình. Mỗi cá thể loài
này đều có cấu tạo hậu môn đặc biệt nên không con nào có tiếng xì hơi
giống nhau.
3. Bắt chước tiếng kêu
Vẹt là loài vật bắt chước tiếng kêu rất
giỏi. Nhưng nếu so với loài chèo bẻo ở sa mạc Kalahari, chúng vẫn còn
thua xa ở việc dùng tiếng kêu bắt chước để săn mồi.
Meerkat là loài chồn đất sống thành bầy
trong sa mạc khắc nghiệt Kalahari. Chúng sống, săn mồi theo bầy và là
đối thủ cạnh tranh nguồn thức ăn với chèo bẻo ở đây. Để sinh tồn, chèo
bẻo đã “phát minh” ra một tuyệt chiêu tinh quái, giúp chúng có những bữa
ăn miễn phí.
Meerkat (trái) là nạn nhân của chèo bẻo (phải).
Chèo bẻo thường rình lúc đàn Meerkat
kiếm ăn. Khi thấy cả đàn săn được mồi, chèo bẻo sẽ bay lên trời và giả
tiếng kêu của chim ưng - kẻ thù đáng sợ nhất của Meerkat.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, với
tiếng kêu ấy, gần như ngay lập tức cả đàn Meerkat sẽ bỏ chạy, vứt lại
miếng mồi ngon béo bở chưa kịp ăn. Và đó chính là bữa ăn miễn phí cho
chèo bẻo ở Kalahari.
Chèo bẻo - chuyên gia "ngoại ngữ" trong giới động vật.
Trên thực tế, chèo bẻo sa mạc không phải
là chuyên gia duy nhất trong việc này. Trong những khu rừng rậm Nam Mỹ,
các chuyên gia cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp mèo rừng Margay bắt
chước tiếng của khỉ con, dụ khỉ mẹ xuống dưới đất để ăn thịt.
4. "Cosplay" mặt nạ
Ngụy trang là một trong những vũ khí
sinh tồn khá phổ biến nhưng tự tạo cho mình một mặt nạ để hù dọa kẻ thù
thì không mấy loài động vật có thể sánh bằng loài nhện rừng Amazon.
Chuyên gia sinh vật học Phil Torres
trong một chuyến thám hiểm Peru đã vô tình phát hiện ra loài nhện này.
Theo giới khoa học, đây là một loài mới trong chi nhện Cyclosa, bao gồm
khá nhiều loài có khả năng “điêu khắc”.
Tuy nhiên, điểm đặc biệt của loài nhện
này là chúng tạo ra một phiên bản của chính mình nhưng ở kích thước to
hơn rất nhiều. Con nhện giả được tạo nên từ rác và xác các con mồi nhỏ.
Chiếc mặt nạ tinh vi và vô cùng đáng sợ.
Theo Phil Torres, tạo ra phiên bản giả của mình “là một hành vi phát triển hiếm có ở động vật”.
Người ta cho rằng, nhiều khả năng mặt nạ này của nhện rừng Amazon có
tác dụng dọa nạt kẻ thù của chúng, tăng cường khả năng sinh tồn cho loài
vật lớn không quá 0,5cm này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét